logo
XÂY DỰNG HỆ THỐNG PHÂN PHỐI CHIẾN LƯỢC LÂU DÀI

XÂY DỰNG HỆ THỐNG PHÂN PHỐI CHIẾN LƯỢC LÂU DÀI

Tại buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển hệ thống phân phối, do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết ngay từ những năm 1990-1993 PNJ đã tập trung xây dựng, phát triển kênh phân phối nhằm tăng mức độ thâm nhập thị trường.


.Tuy nhiên, trong quãng thời gian đó PNJ chủ yếu tập trung mảng bán sỉ, hệ thống bán lẻ không được xem trọng. Hồi đó sản phẩm của PNJ được bạn hàng khen, đánh giá là đẹp nhưng số lượng bán ra lại không tăng. Mẫu mới nào cũng bị làm nhái khiến công ty trở thành nhà cung cấp mẫu “bất đắc dĩ” cho thị trường...

Sau một thời gian tìm hiểu, công ty nhận ra sai lầm trong chiến lược phát triển sản phẩm thông qua bán sỉ. Phân phối sỉ thì doanh nghiệp phụ thuộc vào các đại lý, không thể gắn thương hiệu riêng, trong khi người tiêu dùng thường chọn mua nữ trang thông qua niềm tin.

Vậy là PNJ quyết định xây dựng hệ thống bán lẻ, tiếp cận trực tiếp đến từng khách hàng. Để tổ chức hệ thống bán lẻ nữ trang thành công, ngoài việc tìm những mặt bằng có vị trí đẹp, công ty còn phải huấn luyện một đội ngũ bán hàng có trình độ, hiểu biết rõ về sản phẩm.

Hơi khác với cách làm của PNJ, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc điều hành Công ty Sơn Kim Fashion (SKF), chia sẻ: thời gian đầu SKF bán hàng chủ yếu thông qua các cửa hàng của công ty. Sau một thời gian, SKF nhận ra điểm yếu của việc bán hàng này, và ba năm trở lại đây công ty đã xây dựng lại hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối mới được chia thành ba khối chính, khối cửa hàng trực thuộc công ty, khối bán hàng trực tiếp,  khối bán hàng gián tiếp. Ông Thành cho biết khối bán hàng trực tiếp của SKF  tập trung vào các siêu thị và chỉ bán một số mặt hàng riêng biệt để tránh tình trạng cạnh tranh giá với những cửa hàng chính của công ty hoặc của các đại lý bên ngoài.

Khối bán hàng gián tiếp bao gồm nhiều hệ thống khác nhau như các quầy trong chợ, cửa hàng bách hóa, cửa hàng thời trang... và được phân ra làm nhiều nhóm nhỏ vì chính sách hỗ trợ cho mỗi nhóm có sự khác nhau. Đối với các quầy trong chợ, do diện tích nhỏ hẹp, khó có thể trang trí, nên công ty hỗ trợ một phần chi phí trưng bày. Các cửa hàng lớn, những cửa hàng trọng điểm thì công ty có những chính sách hỗ trợ đặc biệt về tiếp thị, làm bảng hiệu, quầy, kệ, tủ trưng bày.

Tin liên quan

preview